Thời gian qua, đã có doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lợi dụng kẽ hở, đem cà phê trong kho đi thế chấp ở nhiều ngân hàng khác nhau.
Trong vụ Công ty Trường Ngân đem 3.360 tấn cà phê trị giá 100 tỉ đồng ở trong kho đi thế chấp vay tổng cộng 600 tỉ đồng tại bảy ngân hàng, khi sự việc vỡ lở, các ngân hàng tranh nhau số cà phê này. Điều này ít nhiều khiến các ngân hàng mất niềm tin trong việc cho vay thế chấp hàng hóa nông sản nói chung, cà phê nói riêng.
Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng SeABank, cho rằng trong hoạt động cho vay thế chấp hàng hóa, ngân hàng chỉ có thể kiểm tra được doanh nghiệp đang vay ở ngân hàng khác bao nhiêu, trả nợ như thế nào, còn tài sản thế chấp (chẳng hạn như cà phê) thì ngân hàng không kiểm tra được. Theo ông Khánh, cách duy nhất để kiểm tra là hỏi trực tiếp doanh nghiệp, xuống tận kho kiểm tra, hàng thì đã nhìn thấy tận mắt nhưng lại không biết đã thuộc về một ngân hàng nào khác chưa. Vì thế, việc cho vay thế chấp hàng hóa cũng phải dựa trên sự tin tưởng vào doanh nghiệp.
Sau vụ Trường Ngân, chuyện vay vốn thế chấp hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam là một nước có thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, tiêu, hạt điều, cà phê, và đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động cho vay của các ngân hàng. Để tránh đi theo vết xe đổ Trường Ngân, một số ngân hàng nhen nhóm ý tưởng "tiền trao, cháo múc" bằng cách xây kho rồi nhận hàng nông sản thế chấp của doanh nghiệp, hộ dân trước khi cho vay tiền.
Một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc này là HDBank. Ngân hàng này đã xây dựng và quản lý một hệ thống kho lưu giữ cà phê thành phẩm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak. Khách hàng là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê, người trồng cà phê... muốn vay tiền thì cứ việc đưa cà phê đến ký gửi và có thể vay đến 80% giá trị lô hàng bằng tiền đồng hoặc đô la Mỹ, thời gian vay là sáu tháng.
Khách hàng hoàn toàn chủ động việc bán hàng hoặc được HDBank hỗ trợ giới thiệu người mua. Bên cạnh đó, khi ký gửi cà phê, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được miễn phí kiểm định, phí bảo hiểm cháy nổ, phí hao hụt trong ba tháng đầu tiên.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về kinh doanh cà phê, cho rằng chuyện ngân hàng lập kho để nhận hàng ký gửi là một bước tiến lớn trong lĩnh vực kinh doanh nông sản hiện nay. Ông nhận định: "Điều này giúp ngân hàng nắm được đằng chuôi, tức có khả năng bảo toàn vốn, tránh trường hợp doanh nghiệp dùng cùng một lượng cà phê đi thế chấp để vay tiền ở nhiều ngân hàng như trường hợp của Trường Ngân", ông Bình nói.
Có tiềm ẩn rủi ro?
Bà Lê Hoàng Mỹ Phương, tác giả cuốn sách Quản trị rủi ro nông sản nhìn từ thị trường cà phê, cho rằng trong bối cảnh thị trường cà phê luôn tiềm ẩn những biến động bất thường về giá thì việc ngân hàng cho vay thế chấp hàng hóa cũng ít nhiều tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Bà Phương phân tích, nếu được vay đến 80% giá trị hàng hóa thế chấp, ví dụ khi giá cà phê trên thị trường là 2.000 đô la Mỹ/tấn, doanh nghiệp hay cá nhân sẽ được vay 1.600 đô la Mỹ/tấn. Dĩ nhiên trong trường hợp người vay dự báo giá cà phê có thể sẽ giảm xuống còn 1.500 đô la Mỹ/tấn, họ chấp nhận thế chấp số cà phê này cho ngân hàng.
Như vậy, nếu dự báo này đúng thì ngân hàng là phía chịu thiệt thòi. Vì thế, theo bà Phương, để tránh bị lỗ, trong điều khoản cho vay thế chấp, các ngân hàng thường có thêm điều khoản bắt buộc doanh nghiệp mua quyền chọn bán ở mức 1.600 đô la Mỹ/tấn, nghĩa là khi giá cà phê trên thị trường xuống tới mức 1.600 đô la Mỹ/tấn thì doanh nghiệp buộc phải bán số cà phê này để trả tiền cho ngân hàng.
Tuy nhiên, bà Phương cho rằng khả năng rủi ro của ngân hàng trong cuộc chơi này khó xảy ra. Nguyên nhân là các ngân hàng có thế mạnh am hiểu thị trường tài chính, có mối quan hệ làm ăn với các tổ chức tài chính, môi giới hay các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới nên hoàn toàn đủ khả năng tư vấn cho doanh nghiệp bán những lô hàng đang thế chấp trong kho với mức giá mà ở đó, cả hai bên đều ở trạng thái hòa vốn.
Nguồn : Gafin.vn
0 comments:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !