Trong khi thị trường địa ốc còn đầy khó khăn thì các tập đoàn quốc tế vẫn theo nhau rót vốn vào dự án căn hộ, mua lại tòa nhà, phát triển các khu đô thị tại Việt Nam.
Ngày 14/1, hãng Bloomberg đưa tin Rose Rock - công ty đầu tư của gia đình tài phiệt dầu mỏ Rockefeller sẽ rót 2,5 tỷ USD vào một dự án chung cư, khách sạn tại Tuy Hòa, Phú Yên. Tọa lạc ở Vịnh Vũng Rô, dự án có 350 bến đỗ, khách sạn hơn 760 phòng, 4.300 căn hộ, 100 nhà liền kề và cửa hàng bán lẻ.
Chủ tịch Rose Rock, Collin Eckles cho biết doanh nghiệp kỳ vọng dự án sẽ trở thành điểm đến ưa thích trong khu vực châu Á Thái Bình Dương của khách du lịch và những cư dân muốn có phong cách sống hiện đại.
Trước đó ba tuần, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và các công ty con đã thực hiện thương vụ mua lại cao ốc văn phòng Gemadept Tower (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM). Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại Hàng Hải (Marproco), đơn vị sở hữu và khai thác tòa nhà Gemadept Tower, do Công ty Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept) sở hữu 100% vốn đã chuyển nhượng 85% vốn góp cho CJ.
Cuối tháng 11/2013, Công ty Becamex Tokyu (liên doanh giữa tỉnh Bình Dương và Nhật) công bố khu thương mại của khu đô thị Tokyu Binh Duong Garden City để mời gọi các nhà bán lẻ vào dự án tỷ đô này. Hai khu bán lẻ của Sora Garden đang xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2014. Đây là dự án thành phần của khu đô thị nằm trong thành phố mới Bình Dương.
Nhà đầu tư Nhật đang từng bước hiện thực hóa dự án khu đô thị 2 tỷ USD tại Bình Dương.
Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu, ông Nakata Yasuyuki cho biết: "Hiện tại thị trường địa ốc vẫn còn khó khăn nhưng chúng tôi đầu tư dài hạn nên vẫn từng bước rót vốn vào Việt Nam. Tokyu đang thăm dò thị trường cho các giai đoạn sau của cả khu đô thị 1,2 tỷ USD trong tương lai".
CEO Becamex Tokyu cho hay, doanh nghiệp tin vào khả năng phục hồi của bất động sản Việt Nam sau giai đoạn khủng hoảng nên từng bước rót vốn đầu tư khu đô thị tỷ đô giáp ranh TP HCM tại Bình Dương.
Với nhà đầu tư Singapore, Keppel Land là gương mặt nổi bật nhất. Đơn vị này đã có 18 dự án bất động sản tại Việt Nam, vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nhà ở, căn hộ cao cấp.
Tại TP HCM, Keppel có dự án Riviera Point (quận 7) đang xây dựng, cao ốc phức hợp Saigon Center (quận 1) thi công giai đoạn 2, khu căn hộ cao cấp Estella (quận 2)... Ngoài ra doanh nghiệp này đang lên kế hoạch cho dự án Saigon Sports City, Saigon Golf Country Club & Residences và Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc trong vài năm tới.
Ở khu vực miền Trung, một số nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu lộ diện. Báo cáo mới nhất của CBRE cho biết, các nhà đầu tư Hong Kong, Trung Quốc đang ngấp nghé nhiều dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí ở Đà Nẵng.
Theo các chuyên gia, những cao ốc đã, đang hoặc sắp đi vào hoạt động và có khả năng tạo ra
dòng tiền nhanh được khối ngoại quan tâm nhiều nhất
dòng tiền nhanh được khối ngoại quan tâm nhiều nhất
Giám đốc Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, Sử Ngọc Khương nhận xét, năm 2013 thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến khá nhiều giao dịch M&A của khối ngoại, trong đó nhà đầu tư châu Á nổi trội nhất. Hồi tháng 11/2013, Savills Hàn Quốc đã nhận được sự quan tâm của nhiều gương mặt mới đến từ xứ sở kim chi và nhóm nhà đầu tư Trung Đông.
Theo ông Khương, sở dĩ bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư châu Á vì thị trường địa ốc Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, khoảng cách gần (chỉ một giờ bay) và tương đồng văn hóa. Gu đầu tư của khối ngoại là tập trung vào những tài sản đã, đang hoặc có khả năng tạo ra dòng tiền: cao ốc đang hoạt động hoặc căn hộ cho thuê. Khối ngoại không chuộng các dự án chưa xong pháp lý mà ưa chuộng chuyển nhượng lại dự án để rút ngắn thời gian đầu tư.
Chuyên gia này dự báo nhiều khả năng khối ngoại sẽ đổ vào thị trường Việt Nam nhiều hơn trong năm 2014 do các động thái nới room ngoại, luật đất đai mới thông qua tăng tính minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như dự thảo về quyền sở hữu của người nước ngoài đối với bất động sản. "Tác động tích cực trước mắt là cú hích tâm lý nhưng về lâu dài đây là chiến lược mở rộng sân chơi lớn hơn cho bất động sản, tăng cơ hội huy động vốn FDI", ông Khương nhận định.
Cùng qua điểm này, Tổng giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, Marc Townsend cũng tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài mới sẽ có nhiều chuyển động tại thị trường bất động sản Việt Nam năm 2014.
Ông Marc Townsend cho hay, nhà đầu tư Malaysia, Hàn Quốc, Singapore đã bám trụ thị trường khá lâu và từng bước thực hiện các dự án mà họ có lợi thế về quỹ đất. Tuy nhiên nhiều gương mặt mới đến từ Nhật, Nga, Trung Quốc cũng đang có xu hướng nổi lên. "Họ phải nhìn thấy tương lai của thị trường mới có động thái này", ông nói.
Chuyên gia này phân tích, nếu trước đây khối ngoại đến Việt Nam luôn bước cả hai chân vào thị trường này thì hiện nay các nhà đầu tư mới tỏ ra thận trọng hơn. Họ chỉ bước từng bước một và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơi hơn. "Với những chính sách mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, về lâu dài sóng FDI đổ vào bất động sản sẽ có xu hướng mạnh dần", lãnh đạo CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
(Theo Vnexpress)
0 comments:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !